Dù khó khăn thách thức nhưng 2-3 năm qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã rất nỗ lực và cố gắng để duy trì tốc độ tăng trưởng GDP
ở mức tương đối khá so với phần còn lại của thế giới. Đó là điểm tích cực. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận nhiều hoạt động đầu tư, làm ăn của doanh nhân giảm đi rất nhiều và có chút nhụt chí.
Ngoài khó khăn từ bên ngoài thì thời gian qua, công cuộc phòng, chống tham nhũng đang tiến hành rất quyết liệt, nhiều quan chức và một vài chủ doanh nghiệp làm sai đã vướng vòng lao lý. Tuy nhiên, nếu nhìn khách quan thì đất nước đang phát triển nên hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện được 100%, khi làm sẽ có đúng, có sai, rất khó phân định. Vì thế, đã có những chuyện làm sai. Tuy nhiên, nếu làm sai hẳn do tham ô, tham nhũng thì đương nhiên phải bị pháp luật xử lý, nhưng cũng có chuyện “năm ăn, năm thua” nên đôi khi làm sai, có thể cái sai đó không vướng vòng lao lý nhưng lại sai về pháp lý.
Tất cả điều này khiến niềm tin của cộng đồng doanh nhân xuống thấp và khi niềm tin bị xuống thấp thì rất nguy hiểm. Bởi nhiều nhà đầu tư và người dân không biết để tiền vào đâu. Cất giữ, tích trữ hay mang ra nước ngoài để an toàn hơn chứ họ không nghĩ đến đầu tư làm ăn nữa.
Ở chiều hướng khác, nhìn một cách tổng quát về kinh tế - xã hội thời gian gần đây, vẫn có 3 điểm tích cực.
Thứ nhất là vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mời Tổng thống Mỹ Joe Biden sang Việt Nam và ký hợp tác đối tác chiến lược toàn diện. Động tác ký hợp tác chiến lược toàn diện này không đơn thuần là chuyện chỉ có Việt Nam ký với Mỹ, mà nó rơi vào thời điểm hết sức nhạy cảm khi thế giới đang có nhiều phân cực giữa Nga - Trung Quốc và phần còn lại của thế giới. Và Việt Nam trở nên có vai trò nhất định, đặc biệt là khi Việt Nam đặt bút ký với Mỹ ở thời điểm này thì chúng ta cũng có cơ hội bắt tay với hai cường quốc mạnh về kinh tế số một và số hai trên thế giới, là Mỹ và Trung Quốc. Riêng với Nga, chúng ta có truyền thống hợp tác, quan hệ từ lâu trên nhiều lĩnh vực. Như vậy, vai trò và vị thế của Việt Nam đang tăng lên thấy rõ.
Thứ hai, ngay sau khi nâng cấp quan hệ, trong chuyến đi của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Mỹ dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và cũng chuyến đi đó, Thủ tướng cũng đi thẳng vào vấn đề và hành động của Thủ tướng cùng các bộ trưởng và đoàn đi theo cho thấy, Chính phủ đang triển khai rất quyết liệt, cụ thể, không lan man. Ngoài các hoạt động ngoại giao, đoàn còn có nhiều hoạt động kinh tế như gặp gỡ các tập đoàn, các nhà làm kinh tế hoặc mời họ đầu tư với chương trình làm việc rất cụ thể, đầu tư cũng rất cụ thể và các tập đoàn đầu tư cũng được chỉ định đích danh với nhiều lợi ích sẽ mang lại cơ hội cho Việt Nam lớn.
Thứ ba, đứng về phía doanh nhân, doanh nghiệp, phải nói rằng việc lãnh đạo Chính phủ đã đi đến tận nơi các tập đoàn, các nhà đầu tư kinh tế lớn tại nước bạn, gặp gỡ từng công ty có tiềm năng đầu tư cho thấy Chính phủ hiện rất quyết liệt trong việc đi xúc tiến đầu tư và thương mại, giúp cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Mỹ quan tâm và đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn, từ đó thúc đẩy sự làm ăn và đầu tư cho các doanh nghiệp trong nước. Điều này đã tạo niềm tin rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.
Mặc dù việc ký kết hợp tác giữa hai nước Việt - Mỹ là hơi muộn nhưng hầu hết thế hệ doanh nhân 6X, 7X, 8X đều khẳng định, đây là cơ hội rất lớn, không thể bỏ qua được nữa. Nếu lần này mà chúng ta không bắt tay được với các doanh nghiệp lớn và đầu tư một cách bài bản nghiêm túc để đưa đất nước lên “đột biến” như không phải “cải thiện” thì sẽ không bao giờ có cơ hội tuyệt vời như bây giờ.
Như vậy, có thể thấy đây là một thời điểm mà cơ hội đến với doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam rất lớn. Nhiều doanh nhân đều cảm nhận rằng, lần này chúng ta sẽ bắt được cơ hội, sẽ không bị trượt mất và sẽ không còn tiếc nuối vì bị lỡ cơ hội này, cơ hội kia như trước đây.
Một lợi thế để chúng ta có đủ khả năng nắm bắt cơ hội, đó là lực lượng doanh nhân của Việt Nam hiện cũng đã đủ trình độ, khả năng và tầm cỡ hơn để không chỉ nhận diện, nắm bắt cơ hội mà còn kiểm soát nó chứ không như trước đây, nhìn thấy cơ hội đấy nhưng không đủ trình độ để nắm bắt.
Ngoài ra, với sự xoay vần thế giới, thời điểm lịch sử như hiện nay, những thay đổi địa chính trị trên thế giới cũng tạo cho Việt Nam những lợi ích về vị thế. Việt Nam trở thành trung tâm tạo ra cơ hội cho doanh nhân, doanh nghiệp nắm bắt và cơ hội lần này rất rõ ràng.
Năm nay, Chính phủ đưa ra hai kịch bản cho mục tiêu tăng trưởng GDP 5% và kịch bản là 6% GDP. Tôi nghĩ, mục tiêu 6% là rất khó và có lẽ chỉ đạt 5%, thậm chí dưới 5%, thế nhưng niềm tin bây giờ lại được phát triển và củng cố.
Theo tôi, chúng ta cũng không nên chú trọng vào GDP ngắn hạn trong năm nay là 5% hay 6% mà nên tính dài hạn cho 1-2 năm tới, xa hơn là 5-10 năm. Đây là cơ hội cho chúng ta tăng trưởng vượt bậc. Đây cũng là cảm nhận chung và ý kiến không phải của riêng tôi mà là của chung nhiều doanh nhân, đặc biệt là doanh nhân trẻ. Và cũng rất kỳ vọng là năm 2024-2025 sẽ có nhiều sự thay đổi căn bản đối với đầu tư, đặc biệt là đội ngũ doanh nhân trong nước sẽ thật sự lớn hơn, tầm cỡ hơn, chứ không mãi nhỏ như trước. Các doanh nghiệp mới sẽ đủ sức vươn tầm cạnh tranh ở khu vực lẫn trên thế giới.
(*) Cựu Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội khóa VI
14 doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Mỹ như Intel, Amkor, Marvell, Google và phía Việt Nam là VNG, VinFast, BRG, FPT, Momo đã trao đổi cơ hội đầu tư trong 4 lĩnh vực chính với Việt Nam gồm công nghệ và đổi mới sáng tạo; đầu tư sản xuất, dịch vụ tài chính, Fintech và thương mại dịch vụ. |