Chỉ 3-5% người trẻ Việt Nam khởi nghiệp thành công

Ngày tạo 11/10/2023

 -  206 Lượt xem

(Học viện Doanh nhân VBL) Theo các chuyên gia, Việt Nam gần đây có một làn sóng khởi nghiệp vô cùng mạnh mẽ, song thực tế tỷ lệ startup thành công luôn chỉ có 3-5%. Lý do là các bạn trẻ Việt Nam khi ra trường còn yếu kỹ năng mềm để thích ứng và phát huy được tiềm năng khi ra với thế giới bên ngoài.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Thương mại và đầu tư của Úc (Austrade) trong báo cáo “Bức tranh khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam 2019”, tỷ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam khoảng 20 doanh nghiệp/1 triệu dân, nhiều hơn các quốc gia như Indonesia (2.100 doanh nghiệp/260,6 triệu dân); Trung Quốc (2.300 doanh nghiệp/1.378,6 triệu dân) và Ấn Độ (7.500 doanh nghiệp/1.330,6 triệu dân).

Chỉ 3-5% người trẻ Việt Nam khởi nghiệp thành công

Tuy nhiên, dù Việt Nam là “vùng đất tiềm năng” cho khởi nghiệp nhưng trong làn sóng khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay thì không phải ai cũng thành công. Thực tế này được các chuyên gia đánh giá là do những người trẻ khởi nghiệp ở Việt Nam khi mới bắt đầu khởi nghiệp còn yếu kỹ năng mềm để thích ứng và phát huy được tiềm năng khi ra với thế giới bên ngoài.

Trong giai đoạn 2018-2019 thị trường startup Việt Nam phát triển mạnh mẽ và đã có nhiều startup ra đời. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam hiện nay, những startup được xem là đàn anh cũng chỉ mới bắt đầu từ những năm 2007-2008. Do đó, thị trường startup Việt Nam rất đa dạng, còn rất sớm và có nhiều công ty trẻ, ở giai đoạn hạt giống. Nếu thị trường startup Việt Nam đã phát triển được vài chục năm thì các startup sẽ có rất nhiều bài học kinh nghiệm để tránh khỏi những thất bại.

Mặc khác, để đầu tư cho thị trường startup ở Việt Nam thì các nhà đầu tư nước ngoài buộc phải đầu tư vào những công ty mới thành lập, các startup ở giai đoạn sớm. Với thực tế hiện nay, phải 5-7 năm nữa thị trường mới trưởng thành hơn và có nhiều sự lựa chọn hơn với các nhà đầu tư vào startup giai đoạn muộn.

Qua thống kê các năm cho thấy, quỹ ngoại luôn luôn chiếm phần hơn trong đầu tư cho startup. Nguồn tiền của thị trường Việt Nam chủ yếu dành cho các kênh phổ biến như chứng khoán, vàng, bất động sản. Không có nhiều nhà đầu tư có nhiều tiền ở Việt Nam hiểu thị trường để sẵn sàng bỏ tiền vào đầu tư cho startup.

Nhiều báo cáo hiện nay đã chỉ ra rằng, vốn đầu tư vào startup Việt Nam bắt đầu có sự sụt giảm mạnh trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023. Theo báo cáo đổi mới và đầu tư công nghệ 2023 do Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia và Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures công bố mới đây, vốn đầu tư vào startup Việt Nam năm 2022 đạt 634 triệu USD, giảm 56% so với năm trước. Còn trong 6 tháng đầu năm nay, số vốn chỉ dao động từ 350-400 triệu USD.

Từ khi dịch Covid-19 diễn ra tác động tới tất cả lĩnh vực kinh doanh ở Việt Nam, nhiều nhà đầu tư mạo hiểm cũng bắt đầu thận trọng hơn rất nhiều. Thậm chí với những nhà đầu tư lớn ở mức vài trăm triệu USD cũng thay đổi cách thức, buộc phải cân đối, tính toán thận trọng, kỹ lưỡng hơn trước khi đầu tư vào thị trường startup Việt Nam.

Ngoài ra, tình trạng “chảy máu” chất xám ở các doanh nghiệp Việt Nam, tình trạng thoái vốn, thiếu các biện pháp tháo gỡ những vướng mắc giúp tạo ra các cơ chế để các startup phát triển hay các nhà đầu tư rót vốn… cũng trở thành những rào cản cho sự thành công của các startup Việt Nam hiện nay.

Hiện Việt Nam đang đứng thứ 3 ở Đông Nam Á về số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp. Hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đã phát triển qua ba giai đoạn: làn sóng đầu tiên (2000-2006), làn sóng thứ hai (2007-2014) và làn sóng thứ ba (2015 đến nay).
Nguồn phát hành: DNSG Online
Thanh An